(Vangbongmotthoi) - Victor Hugo (phát âm: Vích-to Uy-gô,hay cách khác là Vích-to Hu-go) (26 tháng 2, 1802 tại Besançon – 22 tháng 5, 1885 tại Paris) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Ông cũng đồng thời là một nhà chính trị, một trí thức dấn thân tiêu biểu của thế kỷ XIX.
Victor Hugo chiếm một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Pháp. Các tác phẩm của ông đa dạng về thể loại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tư cách là nhà thơ trữ tình, Hugo đã xuất bản tập Odes et Ballades (1826), Les feuilles d'automne (1931) hay Les Contemplations (1856). Nhưng ông cũng thể hiện vai trò của một nhà thơ dấn thân chống Napoléon III bằng tập thơ Les Châtiments (1853) và vai trò một nhà sử thi với tập La Légende des siècles (1859 và 1877). Thành công vang dội của hai tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris và Những người khốn khổ đã đưa Victor Hugo trở thành tiểu thuyết gia của công chúng. Về kịch, ông đã trình bày thuyết kịch lãng mạn trong bài tựa của vở kịch Cromwell (1827) và minh họa rõ nét thể loại này ở hai vở kịch nổi tiếng Hernani (1830) và Ruy Blas (1838).
Victor Hugo đã cống hiến lớn lao cho sự đổi mới thơ ca và sân khấu. Ông được người đương thời ngưỡng mộ nhưng cũng gây ra tranh cãi ở một số tác gia hiện đại. Cuộc lưu đày 20 năm trong đế chế thứ hai của ông đặt ra sự suy ngẫm cho nhiều thế hệ về vai trò của một nhà văn trong đời sống chính trị xã hội.
Những lựa chọn mang tính đạo đức và chính trị của Victor Hugo, cùng với những kiệt tác văn học đã đưa ông trở thành gương mặt nổi bật của thời đại đó. Khi qua đời, Victor Hugo được nhà nước cử lễ quốc tang và thi hài ông được đưa vào điện Panthéon.
Victor Marie Hugo là con trai út của vị tướng triều đình Joseph Léopold Sigisbert Hugo (1773-1828) với bà Sophie Trébuchet (1772-1821). Hai người anh lớn của ông là Abel Joseph Hugo (1798-1855) và Eugène Hugo (1800-1837). Năm 1811, Victor cùng với anh trai Eugène được gửi trọ học tại trường Collège des Nobles, Madrid. Khoảng năm 1813, ông về Paris sống với mẹ, lúc này đã chia tay cha ông và đi lại với tướng Victor Fanneau de la Horie. Tháng 9 năm 1815, ông vào trọ học tại trường Cordier. Theo Adèle Hugo, đây là khoảng thời gian mà Victor Hugo bắt đầu làm thơ. Ông tự mày mò học vần và luật. Được mẹ và anh trai ủng hộ, Victor đã tỏ rõ tham vọng lớn lao của mình khi ông viết trong nhật kí lúc mới 14 tuổi: "Tôi muốn trở thành Chateaubriand hoặc không gì cả!".
Tập thơ Odes ra mắt năm 1821 khi ông 19 tuổi, với 1500 ấn bản được tiêu thụ trong vòng 4 tháng. Vua Louis XVIII sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm này, đã dành tặng ông một học bổng trị giá một nghìn franc một năm.
Sau khi mẹ ông mất (1821), Victor Hugo làm đám cưới với người bạn gái thời thơ ấu Adèle Foucher. Họ sinh được năm người con: Léopold (1823-1823), Léopoldine (1824-1843), Charles(1826-1871), François-Victor (1828-1873) và Adèle (1830-1915).
Victor Hugo có rất nhiều tình nhân, nổi bật trong số đó là mối quan hệ nồng cháy với Juliette Drouet (Julienne Gauvain). Họ gặp nhau lần đầu tiên năm 1833, năm Victor Hugo ra mắt vở kịch Lucrèce Borgia. Juliette vào vai công chúa Négroni, một vai diễn bé nhỏ nhưng để lại ấn tượng mạnh cho khán giả và nhất là cho Victor Hugo. Họ bắt đầu đi lại với nhau. Juliette trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho Victor. Juliette luôn dành cho ông một tình yêu mãnh liệt, một sự chiếm hữu lớn, một tính cách thất thường.
7 tháng 2 năm 1841, Victor Hugo được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp, sau bốn lần thất bại.
Mùa hè năm 1843, ông cùng Juliette đi nghỉ. Tại một quán cà phê ở Rochefort, ông tình cờ nhận được tin dữ thông qua một bài báo: Léopoldine-con gái ông và chồng bị chết đuối trên sông Seine ở vùng Villequier. Sự kiện này đã chấn động dữ dội Victor Hugo.
Năm 1845, Hugo bắt đầu đi vào chính trị. Năm 1848, ông được bầu làm nghị sĩ hội đồng lập hiến. Ông lên án cuộc đảo chính ngày 2 tháng 12 năm 1851 của hoàng tử Louis-Napoléon (cháu của Napoléon Bonaparte). Ngay lập tức, Victor Hugo bị buộc đi đày ở Bỉ, sau đó là đảo Jersey và Guernesey.
Trong khoảng thời gian sống lưu vong, Hugo vẫn không ngừng sáng tác. Ông cho ra đời các tập thơ: les Châtiments (1853), les Contemplations (1856) và hoàn thành tiểu thuyết les Misérables (1862) - tác phẩm được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Sau khi nền cộng hòa Pháp được thiết lập năm 1870, Victor Hugo trở về Paris.
Ngày 8 tháng 2 năm 1871, ông được bầu vào quốc hội Pháp.
Năm 1876, ông được bầu làm thượng nghị sĩ. Những tham luận đầu tiên của ông hướng đến sự ân xá cho các chiến sĩ công xã Paris.
Ngày 22 tháng 5 năm 1885, Victor Hugo qua đời vì sung huyết phổi. Hai triệu người dân đã đưa tiễn ông đến điện Panthéon.
Tác phẩm
Kịch
Cromwell (1827)
Hernani (1830)
Marion Delorme (1831)
Le Roi s'amuse (1832)
Lucrèce Borgia (1833)
Marie Tudor (1833)
Angelo, tyran de Padoue (1835)
Ruy Blas (1838)
Les Burgraves (1843)
Torquemada (1882)
Théâtre en liberté (1886)
Tiểu thuyết
Bug-Jargal (1820)
Han d'Islande (1823)
Le Dernier Jour d'un condamné (1829)
Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) (1831)
Claude Gueux (1834)
Những người khốn khổ (Les Misérables) (1862)
Les Travailleurs de la mer (1866)
Người cười (L'Homme qui rit) (1869)
Chín mươi ba (Quatre-vingt-treize) (1874)
Thơ
Odes et poésies diverses (1822)
Nouvelles Odes (1824)
Odes et Ballades (1826)
Les Orientales (1829)
Les Feuilles d’automne (1831)
Les Chants du crépuscule (1835)
Les Voix intérieures (1837)
Les Rayons et les ombres (1840)
Les Châtiments (1853)
Les Contemplations (1856)
Première série de la Légende des Siècles (1859)
Les Chansons des rues et des bois (1865)
L'Année terrible (1872)
L'Art d'être grand-père (1877)
Nouvelle série de la Légende des Siècles (1877)
Religions et religion (1880)
Les Quatre Vents de l'esprit (1881)
Série complémentaire de la Légende des Siècles (1883)
La Fin de Satan (1886)
Toute la Lyre (1888)
Dieu (1891)
Toute la Lyre - nouvelle série (1893)
Les Années funestes (1898)
Dernière Gerbe (1902)
Océan. Tas de pierres (1942)
Tác phẩm khác
Mặt Trời Lặn (1853–1855)
Bạch tuộc và những cái xúc tu (1866)
Étude sur Mirabeau (1834)
Littérature et philosophie mêlées (1834)
Le Rhin (1842)
Napoléon le Petit (pamphlet, 1852)
Lettres à Louis Bonaparte (1855)
William Shakespeare (1864)
Paris-Guide (1867)
Mes Fils (1874)
Actes et paroles - Avant l'exil (1875)
Actes et paroles - Pendant l'exil (1875)
Actes et paroles - Depuis l'exil (1876)
Histoire d'un crime - 1re partie (1877)
Histoire d'un crime - 2e partie (1878)
Le Pape (1878)
L'Âne (1880)
L'Archipel de la Manche (1883)
Œuvres posthumes
Choses vues - 1re série (1887)
Alpes et Pyrénées (1890)
France et Belgique (1892)
Correspondances - Tome I (1896)
Correspondances - Tome II (1898)
Choses vues - 2e série (1900)
Post-scriptum de ma vie (1901)
Mille Francs de récompense (1934)
Pierres (1951)
Mélancholia
-------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét