Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Tuồng cải lương Lá sầu riêng (Hoàng Dũng - Hà Triều, chép tay, 1969)


(Vangbongmotthoi) - Lá sầu riêng là một tuồng cải lương rất nổi tiếng, ngày nay đã xác định tác giả là nghệ sỹ Kim Cương, sáng tác khoảng năm 1963. Nhưng hiện đang có một bản chép tay Lá sầu riêng ghi tên tác giả là Hoàng Dũng - Hà Triều năm 1969.

Bản chép tay tuồng cải lương Lá sầu riêng Hoàng Dũng - Hà Triều 1969 này đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh và là bản duy nhứt. Chúng tôi giới thiệu ở đây như là một cuốn sách quý. Còn việc ai là tác giả thì chúng tôi không liên quan và không có ý kiến gì hết.

Dưới đây là ảnh bìa bản chép tay Lá sầu riêng này.

Tình trạng sách: ấn bản duy nhất

Vui lòng xem thông về vở cải lương Lá sầu riêng ở phần dưới.

Hoa Văn

------------------------------



--------------------------

Xem Lá sầu riêng ở Sân khấu vàng 

Kịch bản Lá Sầu Riêng ra đời vào năm 1963, tồn tại lâu dài cho đến ngày nay. Nội dung kịch bản vở diễn cải lương Lá Sầu Riêng nay vẫn trung thành với kịch bản gốc do Kim Cương viết, nhưng có thêm mấy câu ca cải lương cho các nghệ sĩ thể hiện. Lần này công diễn Lá Sầu Riêng, MC Thanh Hiệp đã giới thiệu tác giả kịch bản là Kim Cương, chứ không có nhắc gì đến cái tên Hoàng Dũng - bút hiệu của Kim Cương.

Do có vụ kiện cáo của nghệ sĩ Kim Cương với Trung tâm Thúy Nga & ca sĩ Hương Lan trong thời gian qua về tác giả kịch bản Lá Sầu Riêng, cho nên bây giờ phải giới thiệu một cách danh chánh ngôn thuận công khai chính thức cho mọi người gần xa biết rõ Lá Sầu Riêng là của chính Kim Cương viết, chứ nếu như không có chuyện ấy xảy ra chắc là vẫn giới thiệu như cũ kịch bản Lá Sầu Riêng của tác giả Hoàng Dũng thôi.

Người dàn dựng vở cải lương Lá Sầu Riêng này là đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu, chỉ đạo nghệ thuật là NSƯT Kim Cương.

20 giờ 50’ Lá Sầu Riêng mở màn với cảnh đầu là nhà của bà Tư, cậu Út của Diệu đang tập võ rồi nói chuyện qua lại với bà Tư. Cảnh trí màn đầu tiên này có nhiều đạo cụ đã được Sân Khấu Vàng tiếp tục sử dụng lại mà trước đây đã từng sử dụng trong vở diễn Sông Dài, chẳng hạn như: Bụi chuối màu xanh, hàng rào, chiếc giường tre,... Khi qua màn hai là bối cảnh nhà bà Hội đồng thì đạo cụ “bụi chuối màu xanh” đã được quay ra phía sau để hiện ra phía trước là bức tường treo đèn và lẵng hoa, đúng là người thiết kế sân khấu đã biết vận dụng một công đôi việc nhanh chóng lẹ làng.

Vai diễn bà Tư Sầu nữ Út Bạch Lan diễn hay hơn nghệ sĩ Hồng Nga trước đây diễn trong trích đoạn Lá Sầu Riêng phát sóng trên tivi, nhưng không thể nào vượt qua được vai diễn để đời này của cố NSND Bảy Nam. Khi diễn vai bà Tư này trong kịch Lá Sầu Riêng và trong phim vidéo Lá Sầu Riêng, ngồi nhớ lại phải công nhận quả thật bà Bảy Nam vô cùng xuất sắc trong vai bà Tư. Từng lời thoại, hành động, thái độ, cử chỉ, động tác diễn xuất của vai diễn đều được bà Bảy Nam chăm chút chu đáo đâu ra đó, cho dù đó chỉ là sự nhỏ nhặt nhất. Trong cách diễn vai bà Tư, bà Bảy Nam luôn tạo được điểm nhấn cho vai diễn của bà, mang lại cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người xem về tính cách số phận nhân vật, bà biết nhấn nhá đài từ phù hợp. Còn đối với Sầu nữ Út Bạch Lan trong vai bà Tư thì chưa tạo được điểm nhấn cho vai diễn; mặc dù cô Út có ưu điểm trong nghệ thuật diễn xuất là diễn rất tự nhiên, chân phương, nhưng cách diễn vai bà Tư của cô cứ đều đều bình bình, chưa lay động được cảm xúc đối với người xem nhất là ở lớp diễn giữa hai mẹ con bà Tư và Diệu trong lần gặp mặt lần cuối tại nhà bà Hội đồng. Cô Út đã thể hiện tròn vai người mẹ nông thôn, thương con thương cháu. Xem cô Út diễn trong Lá Sầu Riêng nhận thấy cô vẫn còn đi đứng nhanh nhẹn cho nên cũng mừng cho sức khỏe của cô hiện nay.

Nghệ sĩ Lệ Thủy thể hiện vai Diệu cũng không thể nào bằng kỳ nữ Kim Cương đã từng diễn bên kịch nghệ. Thật thú vị khi xem Lệ Thủy ở lớp diễn với thầy giáo Hoàng trong cảnh thề thốt chân quê chân chất của Diệu bên cạnh người yêu, trong tà áo dài màu xanh ngắn củn cởn trông thật ngộ nghĩnh!. Nhưng ở cảnh Hương quản Xị cùng bà Hội đồng và đám tay chân đến nhà bà Tư gây sức ép để buộc gã Diệu cho Hai Niệm, cô Lệ Thủy lúc này đã thay bằng chiếc áo ngắn quần đen mặc ở nhà, làm gái quê mà sao Diệu mặc áo màu vàng có kẻ sọc có vẻ màu mè như trang phục đô thành vậy?, phải chi ở cảnh này Diệu dùng trang phục là áo bà ba trơn, không có kiểu cọ nào là hoa văn, ca rô, kẻ sọc ngang sọc dọc gì hết thì sẽ thích hợp hơn với thân phận là cô gái quê nhà nghèo. Tiếng Hát Học Trò bây giờ vẫn còn nhớ nghệ sĩ Kim Cương khi diễn vai Diệu bên kịch nói trong lớp diễn này cô vẫn mặc chiếc áo dài, nhưng ở đây cô Lệ Thủy lại thay trang phục khác cho gọn nhẹ, phải chăng là để thuận tiện trong việc diễn xuất khi Diệu quỳ xuống đất van nài bà Hội đồng?, chứ nếu vẫn cứ mặc áo dài giống như Kim Cương trước đây thì sẽ bất tiện trong việc quỳ bò lết trên sàn diễn chăng?. Tóm lại, trong lớp diễn này, cô Lệ Thủy cần nên dùng áo bà ba trơn thì sẽ hay hơn trong việc tạo hình cho nhân vật. Tiếng Hát Học Trò còn biết rằng ngoài đời thường cô Lệ Thủy có rất nhiều áo bà ba trong tủ quần áo ở nhà cô thì lo ngại gì chọn tìm cho mình một chiếc áo bà ba ưng ý mặc vào cho thích hợp với bối cảnh vở diễn lúc đó. Trong màn hai của vở diễn, ở lớp diễn Hoàng đứng trước nhà bà Hội đồng hối thúc kêu Diệu ra đi cùng với Hoàng trong đêm, bên trong nhà Diệu hát ru con đang ngủ trên ghế sofa phòng khách, rồi Hoàng bên ngoài cứ hối thúc mãi, Diệu định ra đi nhưng khi nghe đứa con gọi mình bằng tiếng Má kêu gào không muốn cô bỏ nó ra đi thì Diệu không đành lòng ra đi và cô đã quyết định ở lại cùng con, trong lúc này ngoài trời mưa gió tầm tả sấm chớp nổi rền vang, đây cũng chính là nỗi lòng giằng xé trong lòng người mẹ về sự chọn lựa: Ra đi mãi mãi xa con hay ở lại với con?. Và cuối cùng tình mẹ thương con đã chiến thắng, Diệu ôm chầm lấy con mình trong căn nhà bà Hội đồng, Hoàng đành ra đi ngậm ngùi trong lòng. Phải nói đây là lớp diễn hay nhất trong vở diễn Lá Sầu Riêng của nghệ sĩ Lệ Thủy đã tạo sự dâng trào cảm xúc trong lòng người xem. Một góp ý nhỏ ở cảnh kết màn hai về việc xử lý âm thanh có tiếng mưa bão hòa cùng tiếng còi tàu hỏa khi Hoàng ở ngoài cửa đợi Diệu, Diệu ở trong nhà giằng xé trong lòng về sự chọn lựa đi hay ở?, tiếng còi tàu sử dụng từ voice của đàn Organ sao nghe giống … tiếng bò kêu lắm nha!. Khi diễn ở màn ba của vở diễn bối cảnh là nhà ông Út, bà Diệu lúc này đã về già lên thăm con, với các lớp diễn với các nhân vật như ông Út, Sang, Nga, ông Hoàng thì Lệ Thủy đã thể hiện vai rất tốt. Cô tạo hình nhân vật Diệu về già trong việc hóa trang với mái đầu tóc bạc, nét mặt lớn tuổi có nếp nhăn vô cùng khéo léo như kỳ nữ Kim Cương đã từng làm được khi diễn vai Diệu về già bên kịch nghệ.

Nghệ sĩ Minh Vương với vai thầy giáo Hoàng diễn xuất cũng không bằng nghệ sĩ Vân Hùng diễn bên kịch nghệ. Trong màn hai ở cảnh Hoàng gặp Diệu tại nhà bà Hội đồng cũng như màn ba ở cảnh Hoàng tới nhà gặp Sang, Nga và bà Diệu thì nghệ sĩ Minh Vương đã để mái tóc được vuốt lên, để lộ vầng trán cho phù hợp với hình ảnh người thầy giáo cũng như nhà tỷ phú, còn ở màn đầu của vở diễn thì Minh Vương vẫn để mái tóc muôn thuở là tóc phủ trán. Trong màn ba, nhà tỷ phú Hoàng đến nhà gặp Sang, nói năng với Sang bằng những lời lẽ của người đầy quyền thế, phải nói rằng màn ba này Minh Vương đã thể hiện rất tốt vai trò tính cách nhân vật Hoàng khi về già. Có chi tiết này trong tính cách nhân vật Hoàng mà Tiếng Hát Học Trò băn khoăn: Khi Hoàng đã trở thành nhà tỷ phú giàu có rồi, Hoàng đến nhà ông Út gặp Sang để nhằm mục đích “lột mặt nạ” giả dối của Sang, Hoàng mắng chửi mạt sát về thân phận nghèo hèn của gia đình Sang, nói mẹ Sang là “hàng tôm hàng cá”, rồi đến khi đối mặt với bà Diệu, người tình xưa của ông, thì ông lại chuyển hướng là không có nói xấu bà là hạng “hàng tôm hàng cá”, còn chuyện ông nói Sang thế này thế nọ lúc nảy chỉ là dạy bảo cho Sang hiểu về đạo lý làm người. Tiếng Hát Học Trò chưa thấu hiểu rõ cho lắm về tính cách, tâm lý nhân vật Hoàng ở màn 3 này: Đó là ông Hoàng bây giờ đã trở thành người giàu có, có nhiều tiền nhiều bạc rồi, ông bây giờ đang ở ngôi vị cao khi nhìn xuống thì ông coi thường khinh khi những người nghèo khó, đúng bản chất tâm lý nhân vật Hoàng 100% là như thế?. Hay ông Hoàng nói ra những lời để đối đáp với bà Diệu như thế là để chữa thẹn, đổi đen thành trắng để lấy lòng bà Diệu, vì dù sao bà Diệu hồi xưa cũng đã từng là người mà ông yêu thương hết mực?.

Vai Sang của NSƯT Vũ Linh với lối diễn cũng bình thường như bao vai diễn khác mà Vũ Linh đã từng đóng trên sân khấu thuộc đề tài xã hội hiện đại, chưa tạo được sự nổi trội vượt bậc cho lắm trong nghệ thuật diễn xuất.

Nghệ sĩ Trinh Trinh vào vai Nga dễ thương quá!, khán giả ai xem cũng đều xuýt xoa ngợi khen. Cô diễn tự nhiên, cộng với đài từ sân khấu và giọng ca tốt đã nâng vai diễn của cô lên rất nhiều.

NSƯT Thanh Nguyệt trong vai bà Hội đồng diễn xuất tốt, đúng với tính cách nhân vật, không thua kém gì các nghệ sĩ Túy Hoa, Mai Lan đã từng diễn vai này trong kịch và phim Lá Sầu Riêng mà Tiếng Hát Học Trò đã xem trước đây.

Các vai diễn của Kim Ngọc, Hiếu Hiền, Bảo Chung đều biết tiết chế hài, không lạm dụng sa đà vào lối diễn hài thọc lét khán giả, hài ở mức độ chừng mực:

Kim Ngọc vào vai cô Ba La Sát mập mạp ú na ú nù, chỉ giỏi việc la mắng ào ào. Chất lẵng cũng như sự đanh đá chua ngoa của nhân vật này Kim Ngọc làm chưa tới để lột tả thành công được như Tú Trinh và Anh Thư diễn Lá Sầu Riêng trước đây trong phim ảnh và kịch nói. Cũng may là Kim Ngọc đã biết tiết chế cái hài đúng mực, chứ nếu như cô cứ thả ga xả cảng trong diễn xuất biến nhân vật cô Ba La Sát này là hài, tưng tửng để chọc cười thọt lét khán giả y như Ngọc Giàu đã từng diễn vai Diệu (em gái The) trong Nửa Đời Hương Phấn theo kiểu “Bảy cán vá” thì sẽ làm phá nát phá hỏng hình tượng nhân vật cô Ba La Sát đi mất!. May quá, điều đó đã không xảy ra!.

Khi xem vở diễn Lá Sầu Riêng này, Tiếng Hát Học Trò chưa hiểu biết gì về vai trò của nhân vật mà Hiếu Hiền thủ vai - nhân vật này thật ra tên là Xị nhưng có chức vụ là làm hương quản cho nên được gọi là Hương quản Xị, không biết hương quản là làm cái gì?. Và thế là về nhà Tiếng Hát Học Trò đã mở Từ điển Tiếng Việt 2008 để tìm từ ngữ hương quản có được lời giải đáp như sau: Hương quản là hương chức coi việc tuần phòng, giữ trật tự an ninh trong một làng ở Nam Bộ thời Pháp thuộc. Làm việc bên an ninh dân phòng hèn gì Hiếu Hiền khi vào vai này đã phải mặc trang phục màu vàng như là lính Tây vậy!. Nhờ xem vở diễn này, đã giúp Tiếng Hát Học Trò nâng cao sự hiểu biết về kiến thức văn hóa xã hội.

Bảo Chung đảm nhận vai cậu Út của cô Diệu cũng là ông Út của Sang, sao mà lại trẻ trung hơn bà Diệu lúc già. Diệu lúc về già thì tóc đã bạc trên đầu, mà cậu Út tóc vẫn còn đen nhánh, chẳng có nét già lớn tuổi gì cả!, hóa ra cháu Diệu còn già hơn cậu Út, cậu Út trẻ lâu quá ta!. Khi Bảo Chung đóng chung với Út Bạch Lan cứ ngỡ đó là con trai của bà Tư, đến khi nghe lời thoại giữa bà Tư và cậu Út ở màn một mới hay Bảo Chung đang vào vai em trai của bà Tư; còn khi diễn chung với Vũ Linh thì ông Út nhìn trẻ chỉ lớn hơn Sang vài tuổi, chắc đây là “ông trẻ” quá!. Nếu Bảo Chung chịu khó đầu tư hơn vào khâu hóa trang tạo hình cho nhân vật như Minh Nhí, Hồng Tơ đã từng vào vai ông già là ông Năm xe rác trong Nửa Đời Hương Phấn thì Bảo Chung sẽ ra được chất già cả lớn tuổi của nhân vật cần phải có. Cũng may danh hài Bảo Chung đã có sự tiết chế hài, không bị ảnh hưởng bởi lối hài cà rỡn vốn có của anh, không biến nhân vật này thành nhân vật hài thứ thiệt làm hoạt náo sân khấu!.

Nhân vật tá điền do nghệ sĩ Việt Mỹ đóng có phải đó là anh chàng nhà quê đứng cao hơn Hương Quản Xị án ngữ trước mặt Xị khiến Xị bảo rằng: “Sao mày đứng cao hơn tao?”.

Cậu bé Ngọc Cương (con trai nghệ sĩ Chinh Nhân với người vợ trước) trùng tên với cha NSƯT Kim Cương, vào vai bé Sang diễn xuất thật là tự nhiên, chân thật, diễn còn hay hơn vai Sang lúc lớn của NSƯT Vũ Linh nữa đó!.

Trong vở diễn Lá Sầu Riêng này, Tiếng Hát Học Trò ấn tượng vô cùng với bài ca Lá Sầu Riêng dành cho Diệu và Hoàng cùng ca chung với nhau ở cảnh Hoàng chia tay tạm biệt Diệu để lên Sài Gòn đi học trường sư phạm, Diệu đã tặng cho Hoàng một chiếc lá sầu riêng để Hoàng luôn nhớ đến cô. Bài hát có giai điệu lẫn ca từ quá hay, nghe xao động lòng người tựa như khi nghe Trưng Trắc và Thi Sách “trong giây phút chia tay….” trong tuồng cải lương Tiếng Trống Mê Linh vậy đó!. Kết thúc vở diễn, ca khúc Lá Sầu Riêng lại một lần nữa cất lên trong sự đoàn viên của Diệu và Hoàng, con cái của họ là đôi trai gái Sang - Nga hòa chung nhịp đập con tim hạnh phúc lứa đôi bên nhau. Nếu Admin Ngọc Anh có thu âm được trực tiếp bài ca Lá Sầu Riêng này thì hãy post lên Diễn đàn CLVN cho mọi người gần xa cùng nhau thưởng thức nhé!. Song song bên cạnh đó là post lời hát bài ca Lá Sầu Riêng này lên box Lời Bài Ca Cổ cho mọi người có dịp tham khảo nha!. Admin Ngọc Anh điều tra giúp dùm bài ca Lá Sầu Riêng trên do ai viết nhé

Đêm diễn khai trương Lá Sầu Riêng 04/10, chất lượng micrô cho các nghệ sĩ diễn xuất thật là tệ hại: Nhiều lần micrô bị hú bất thường, ba hồi micrô âm thanh lúc lớn lúc nhỏ, có khi không nghe rõ từng lời ca từng lời thoại của nhân vật, khiến nghệ sĩ Lệ Thủy phải vừa diễn vừa linh động gắn micrô đưa qua đưa lại trên cổ áo để âm thanh phát ra cho rõ. Lớp diễn của bà Tư với bé Sang, khi bà tới nhà bà Hội đồng thăm con gái và cháu ngoại, micrô của cô Út nghe nhỏ quá, thành thử nói lời thoại và ca nghe câu được câu không, cô Út vẫn cứ diễn tự nhiên, không có điều chỉnh micrô như nghệ sĩ Lệ Thủy gì hết. Với tình trạng âm thanh rạp Hưng Đạo trong đêm diễn Lá Sầu Riêng chập chờn như thế này, Tiếng Hát Học Trò chợt liên tưởng nghĩ về khi xem kịch ở sân khấu kịch Idecaf, giá vé là 80.000 VNĐ, mà chất lượng micrô trong khán phòng nghe rõ mồn một, từng lời từng chữ trong lời thoại, trong khi đó ở rạp Hưng Đạo với giá vé xem cải lương Lá Sầu Riêng cao nhất là 300.000 VNĐ thật không xứng đáng với đồng tiền bỏ ra để thụ hưởng nghệ thuật, xem cải lương 300.000 VNĐ còn tệ hơn xem kịch 80.000 VNĐ. Theo Tiếng Hát Học Trò nghĩ, rạp Hưng Đạo cần phải có sự đầu tư về trang thiết bị âm thanh và cần nên có những người điều chỉnh âm thanh chuyên nghiệp thì sẽ khắc phục được tình trạng cứ kéo dài triền miên xem cải lương nghe micrô lâu lâu cứ bị hú, âm thanh lúc nghe được lúc không nghe rõ.

Được biết trước đây Sân Khấu Vàng đã có dự án đưa Lôi Vũ lên sàn tập, do NSƯT Bạch Tuyết đạo diễn, nhưng rồi kịch bản Lá Sầu Riêng của Kim Cương được chọn dàn dựng trước. Do đó, sau Lá Sầu Riêng, mong lắm Sân Khấu Vàng sẽ dàn dựng tác phẩm Lôi Vũ của kịch tác gia Trung Quốc Tào Ngu để cống hiến đến quý vị khán giả yêu mến Sân Khấu Vàng nha!.

Tóm lại, đây là vở diễn hay, đạt chất lượng vàng, được dàn dựng sạch sẽ, dàn diễn viên có nghề. Cảm ơn Sân Khấu Vàng đã mang đến cho khán giả mộ điệu cải lương thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật hay.

(Theo Tiếng hát học trò)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét