Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Nắng trong vườn (Thạch Lam, xuất bản 1938)


(Vangbongmotthoi) - Nắng trong vườn là tập truyện ngắn hiện thực và cảm động của nhà văn Thạch Lam, trong Tự lực văn đoàn, xuất bản lần đầu năm 1938.



Nắng trong vườn gồm 12 truyện ngắn, văn phong cảm động, lãng mạn, nội dung sâu sắc, đầy tính nhân văn.

Dưới đây là bìa cuốn Nắng trong vườn do nhà xuất bản Phượng Giang xuất bản tại Miền Nam trước năm 1975.

Tình trạng: Cực hiếm

Xem thêm về tác giả Thạch Lam phía cuối bài viết này.

------------------------




--------------------------

Vài nét về tác giả Thạch Lam

Thạch Lam sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910 tại Hải Dương, nhưng nguyên quán ở làng Cẩm Phô, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam).

Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ nên thường được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Mẹ là bà Lê Thị Sâm[2], con gái cả ông Lê Quang Thuật (tục gọi Quản Thuật), người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, làm quan võ ở Cẩm Giàng cùng thời với Huyện Giám (ông nội Thạch Lam).

Thạch Lam là người con thứ 6 trong gia đình 7 người con (6 trai, 1 gái): Tường Thụy, Tường Cẩm, Tường Tam, Tường Long, Thị Thế, Tường Vinh và Tường Bách. Trừ người anh cả Nguyễn Tường Thụy làm công chức, những người còn lại đều đã ít nhiều tham gia vào sự nghiệp văn chương, nổi bật trong số đó là Tường Tam (Nhất Linh), Tường Long (Hoàng Đạo) và Tường Vinh (Thạch Lam).

Nguyên tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Sáu, vì ông là con thứ sáu trong nhà. Khi bắt đầu đi học ở trường huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), bố mẹ ông làm lại khai sinh cho con là Nguyễn Tường Vinh. Đến năm Thạch Lam 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" 4 năm, ông làm lại khai sinh lần nữa, thành Nguyễn Tường Lân.

Ở Cẩm Giàng, Thạch Lam học tại trường Nam (tiểu học Hải Dương, nay là trường tiểu học Tô Hiệu). Đến khi người anh cả là Nguyễn Tường Thụy ra trường dạy học ở Tân Đệ (Thái Bình), mẹ ông đã đưa cả nhà đi theo người con cả, nên Thạch Lam đến học ở Tân Đệ. Nhưng ở đây được một năm, làm vẫn không đủ cho các miệng ăn, mẹ ông dẫn các con (trừ Nguyễn Tường Thụy) về Hà Nội ở nhà thuê, rồi cứ thế lúc thì ở Hà Nội, lúc thì ở Cẩm Giàng...

Muốn sớm đỡ đần cho mẹ, Thạch Lam đã nhờ mẹ nói khéo với ông Lý trưởng cho đổi tên và khai tăng tuổi để học ban thành chung. Tiếp theo, ông thi đỗ vào Cao đẳng Canh Nông ở Hà Nội, nhưng chỉ học một thời gian, rồi vào trường Trung học Albert Sarraut để học thi Tú tài.

Bước vào nghiệp văn

Khi đã đỗ Tú tài phần thứ nhất, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh. Buổi đầu, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh là Nguyễn Tường Tam sáng lập, rồi được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay của bút nhóm này. Đến tháng 2 năm 1935, thì ông được giao làm Chủ bút tờ Ngày nay.

Khoảng năm 1935, Thạch Lam lấy vợ và được người chị (Nguyễn Thị Thế) nhường lại căn nhà nhỏ tại đầu làng Yên Phụ, ven Hồ Tây (Hà Nội) cho vợ chồng ông ở.

Tuy chỉ là một mái tranh vách đất, thế nhưng “nhà cây liễu” là nơi thường lui tới của các văn nghệ sĩ. Ngoài các thành viên trong Tự Lực văn đoàn, còn có: Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Khoát...

Ngôi sao sớm tắt

Một tuổi thơ nhọc nhằn cộng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất tại “nhà cây liễu” vào ngày 27 tháng 6 năm 1942, lúc mới 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn.

Thạch Lam có ba người con, hai trai một gái: Nguyễn Tường Nhung (sau này là vợ của trung tướng Ngô Quang Trưởng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa trước đây), Nguyễn Tường Đằng, và trước vài ngày khi ông mất, vợ ông sinh thêm con trai mà sau này là nhà văn Nguyễn Tường Giang. Ông ra đi để lại người vợ trẻ cùng với ba đứa con thơ trong cảnh nghèo. Gia đình đã an táng ông nơi nghĩa trang Hợp Thiện, nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Theo nhà văn Băng Sơn thì sau khi Thạch Lam mất, vợ và các con ông có về sống ở Cẩm Giàng với bà Phán Nhu một thời gian rồi vào Nam.

Tác phẩm

Hầu hết sáng tác của Thạch Lam được đăng báo trước khi in thành sách. Tác phẩm gồm có:

Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1937)
Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1938)
Ngày mới (truyện dài, Nxb Đời nay, 1939)
Theo giòng (bình luận văn học, Nxb Đời nay, 1941)
Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1942)
Hà Nội băm sáu phố phường (bút ký, Nxb Đời nay, 1943)

Và hai quyển truyện viết cho thiếu nhi: Quyển sách, Hạt ngọc.
Cả hai đều do Nhà xuất bản Đời Nay ấn hành năm 1940.

( Theo từ điển mở Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét