Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Ngàn cánh hạc (Yasunari Kawabata, sách dịch, xuất bản 1969)


(Vangbongmotthoi) - Ngàn cánh hạc là tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Nhật Bản Yasunari Kawabata, người đã đoạt giải Nobel văn học. Tại Việt Nam, từ năm 1969 tác phẩm này đã được xuất bản. 


Yasunari Kawabata là nhà văn nổi tiếng toàn thế giới. Tại Việt Nam, suốt nhiều chục năm qua, nhiều tác phẩm của ông được dịch, tái bản liên tục trong sự say mê của những người đọc sách.

Ngàn cánh hạc là một trong những tiểu thuyết hay nhất của ông, cùng với Xứ tuyết. Một câu chuyện buồn và kỳ lạ về tình yêu, với muôn ngàn cảm xúc, tình cảm xung đột trong con tim thổn thức của nhiều người.

Dưới đây là ảnh bìa cuốn Ngàn cánh hạc do nhà xuất bản Trình Bầy (Miền Nam) xuất bản năm 1969, dịch giả Trùng Dương.

Tình trạng: rất hiếm

Xem thêm về nhà văn Yasunari Kawabata cuối bài viết này.

Hoa Văn

-----------------



-------------------------------------

Vài nét về nhà văn  Yasunari Kawabata

Nhà văn Nhật Bản Yasunari Kawabata sinh trong một gia đình học thức, học văn học Anh và Nhật Bản, sớm viết văn và hoạt động báo chí theo định hướng văn hoá tiên phong châu Âu, cổ xuý cho những thử nghiệm phong cách và đặt cảm xúc và cảm giác vào trung tâm chuyện kể.

Năm 1927, truyện ngắn Vũ nữ Izu là thành công văn chương đầu tiên của Y. Kawabta kể về mối tình lãng mạn của một chàng sinh viên với nàng vũ nữ trẻ - biểu tượng của cái đẹp trinh bạch, vô tội. Năm 1934, ông viết Xứ tuyết kể về mối tình vô vọng của một cô geisha với một chàng trai thành phố. Qua tác phẩm này Y. Kawabata thể hiện nghệ thuật bậc thầy trong miêu tả tâm lí phụ nữ. Bằng văn phong đặc biệt xúc cảm với những miêu tả trữ tình về cuộc soosngthieen nhiên và số phận con người u ẩn nỗi buồn tinh tế, nhà văn gợi nên sự thoáng chốc và ngắn ngủi của cuộc đời.

Từ năm 1948, ông là chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản, từ năm 1959 là phó chủ tịch Hội Văn bút Thế giới.

Năm 1968, Y. Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu eien nhận giải Nobel Văn học bởi vì “với tư cách là nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hoá có tính thẩm mĩ và đạo đức cao bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông-Tây theo cách của ông”. Y. Kawabata là người đã kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống nghệ thuật Nhật Bản với các thủ pháp cách tân hiện đại của phương Tây để truyền tải bản chất của ý thức Nhật Bản. Các tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô là những kiệt tác tiêu biểu cho sáng tác của ông, lấy nỗi cô đơn của con người làm chủ đề chính, được đánh giá rất cao ở trong nước và ngoài nước.

Kawabata sinh ở Osaka, mồ côi từ năm lên 2, từ đó cậu bé và chị sống cùng ông bà ngoại. Khi cậu lên 7 thì thì bà ngoại qua đời, lên 9 thì mất chị, được 14 tuổi thì mất cả ông ngoại, cậu phải về Tokyo sống với gia đình người dì.

Đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn của mình bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời.

Ở tuổi đôi mươi, Kawabata lại đánh mất một người mà ông hết lòng yêu thương, một thiếu nữ ông gọi là Chiyo. Ông đã cùng nàng hứa hôn nhưng khi mọi việc chuẩn bị xong, nàng bất ngờ từ hôn, không một lời giải thích.

Cảm thức cô đơn trong văn phẩm Kawabata thường phản ánh từ chính cuộc sống thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông. Cái cô đơn ấy bắt đầu với tập Nhật ký tuổi mười sáu. Khi nó được xuất bản vào năm 1925, tác phẩm đầu tay này có lẽ đã được viết lại dù trong đó, ấn tượng của một thiếu niên trước cái chết của người thân (ông ngoại) vẫn còn rõ nét. Những ngày cuối cùng khốn khổ của một người già yếu mù loà, cuộc sống cô độc của một thiếu niên nhỏ bé đối diện với sinh ly tử biệt được thể hiện chân thực.

Hồi nhỏ, Kawabata vẫn mơ ước vẽ tranh. Nhưng đến tuổi mười lăm, ông cảm thấy mình có tài viết hơn là vẽ, nên quyết định chọn con đường văn chương. Do đó mà trong văn xuôi Kawabata, những phong cảnh thiên nhiên và thế giới tâm hồn không ngớt mở ra trước mắt ta những màu sắc tinh tế.

Bên cạnh viết văn, Kawabata còn làm phóng viên cho một số tờ báo mà đáng chú ý nhất là tờ Mainichi Shimbun ở Osaka và Tokyo. Mặc dù đã từ chối tham gia vào sự hăng hái quân phiệt trong Đệ nhị thế chiến, ông cũng thờ ơ với những cải cách chính trị của Nhật Bản sau chiến tranh, nhưng rõ ràng chiến tranh là một trong những ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ông (cùng với cái chết của cả gia đình khi ông còn trẻ); một thời gian ngắn sau đó ông nói rằng kể từ đó ông chỉ còn khả năng viết những tác phẩm bi ca mà thôi.

Năm 1968, Kawabata được trao tặng giải Nobel với lời ca ngợi của Viện Hàn lâm Thụy Điển: "Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người" (diễn văn của tiến sĩ Anders Usterling trong lễ trao giải).

Năm 1972 Kawabata tự tử bằng khí đốt trong một căn phòng ở Hayama, Kamakura. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, nào là sức khoẻ kém, nào là một cuộc tình bị cấm đoán, nào là cú sốc do vụ tự tử của bạn ông, nhà văn Mishima Yukio năm 1970. Tuy nhiên, khác với Mishima, Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, và vì trong các tác phẩm của ông không có gợi ý gì, đến nay không ai biết được nguyên nhân thật sự.


Tác phẩm chính:

-   Vũ nữ Izu (Izu no odoriko, 1927), truyện ngắn.
-   Xứ tuyết (Yukiguni, 1937), tiểu thuyết.
-   Ngàn cánh hạc (Sembazuru, 1949), tiểu thuyết.
-   Tiếng rền của núi (Yama-no oto, 1949), tiểu thuyết.
-   Người đẹp ngủ say (Nemu reru bijo, 1960), tiểu thuyết. Cố đô (Kyoto, 1962), tiểu thuyết.

(Theo từ điển mở Wikipedia)

1 nhận xét: