Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Chùa Đàn (Nguyễn Tuân, xuất bản 1947)


(Vangbongmotthoi) - Chùa đàn là một tiểu thuyết thuộc hàng độc đáo và kỳ dị nhất trong nền văn học Việt Nam, của nhà văn Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1947.

Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Tuân đủ bảo chứng giá trị của tác phẩm Chùa Đàn. Đối với dân mọt sách chuyên nghiệp, không thể không biết đến Chùa Đàn.

Chùa Đàn có nội dung thuộc dạng liêu trai, kỳ lạ và tiên thần quỷ quái - liên quan đến thú thích nghe hát xẩm (hát ả đào) của Nguyễn Tuân. Tác phẩm này gần đây đã được dựng thành phim Mê Thảo.

Tuy nhiên, khá kỳ lạ là tới nay Chùa Đàn vẫn chưa được tái bản, dù không cấm. Hội nghiên cứu văn học nghệ thuật do cố giáo sư Hoàng Như Mai là chủ tịch - thuộc trường Đại học tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn) khoảng năm 1987 có in Chùa Đàn theo dạng là tài liệu nội bộ, trên giấy đen và xấu. Và cũng rất ít cuốn lọt ra ngoài. Hiện bổn quán rất hên khi có một cuốn Chùa Đàn đợt này (nhưng do chưa đủ 40 năm tuổi nên không đăng vào blog này được).

Dưới đây là bìa cuốn Chùa Đàn do Tân Việt in năm 1947.

Tình trạng: cực hiếm

Xem thêm về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Chùa Đàn phía dưới bài viết này.

Hoa Văn
-------------------------


--------------------------------

Nguyễn Tuân với thú hát ả đào

Nguyễn Tuân rất mê hát Ả đào. Hồi còn trẻ ở Hà Nội, ông thường đi hát Ả đào cùng Vi Huyền Đắc, Thế Lữ, Lê Đại Thanh… tại các xóm cô đầu Khâm Thiên, Vạn Thái. Trong tập tùy bút, ông đã “tự bạch” có khi ông “ăn dầm nằm dề” cả tháng tại các nhà hát cô đầu, tối nào cũng cầm chầu, nghe hát và say túy lúy.

Vi Huyền Đắc, nhà viết kịch nổi tiếng, khi còn sống ở Sài Gòn đã kể rằng: “Đi hát với Nguyễn Tuân tốn kém lắm! Ngoài tiền chi cho chầu hát còn phải đền cho chủ nhà những ly chén do Nguyễn Tuân trong cơn say đã làm vỡ”.

Do có duyên nợ với tiếng đàn, tiếng phách, tiếng ca, chén rượu như vậy mà Nguyễn Tuân đã viết ra được quyển Chùa đàn (1) năm 1945 được coi là một tác phẩm có giá trị trong đó tiếng hát của cô Tơ, tiếng đàn của Bá Nhỡ như còn vang ngân, như còn đọng lại trong tâm hồn của những ai đồng điệu.

Những người không đồng điệu thì cho rằng tác giả đã kể một câu chuyện có nhiều yếu tố phi lý, hoang đường, khó tin, hơn thế nữa còn mang tính kinh dị ma quái như trong Liêu Trai.

----------------------------

“Tại ấp Mê Thảo, chủ ấp là Lãnh Út còn trẻ, có vợ bị chết trong một tai nạn xe lửa bị lật. Quá thương vợ, cậu đâm ra căm ghét cuộc sống văn minh cơ khí, bèn đem bán hoặc cho hết những vật dụng có máy móc trong nhà. Cậu cũng không lo gì đến công việc trong ấp nữa.

May có Bá Nhỡ giúp đỡ nếu không ấp Mê Thảo cũng đã không còn nữa. Bá lại còn chăm sóc tinh thần cho cậu Lãnh Út nữa nhưng cậu vẫn âu sầu buồn bã, cứ uống say li bì rồi khóc thương vợ.

Bá càng lo bèn đi tìm bọn con hát đến để diễn mua vui cho cậu Lãnh Út nhưng cậu lại chán các cuộc vui và không buồn uống rượu nữa.

Từ khi thôi không uống rượu, Lãnh Út ngày đêm cứ ngồi một chỗ như nhà sư thiền định. Rồi một đêm mưa gió cậu lại đòi uống rượu và sai Bá đi tìm cô Tơ về hát cho cậu nghe. Bá phải về tận quê của cô Tơ. Chồng cô là Chánh Thủ đã mất. Cô Tơ chối từ nói rằng từ ngày chồng cô mất đi, cô đã giải nghệ không đi hát nữa.

Bá về lại ấp Mê Thảo. Nghĩ mình trước đây cũng là một tay đàn lão luyện, Bá bèn đón một người đàn giỏi về luyện lại tay nghề cho mình rồi kiếm mua một cây đàn đáy cũ cầm đến nhà cô Tơ dạo thử một khúc cho cô nghe. Cô Tơ tuy phục tài đàn của Bá nhưng vẫn từ chối vì trót đã có lời thề với chồng rồi.

Bá liền kể tình trạng bệnh của cậu Lãnh cho cô nghe. Cô cũng kể thực cho Bá biết từ khi chồng chết đã thề không đi hát nữa và nếu có ai cầm cây đàn đáy của chồng cô mà gảy thì sẽ mất mạng vì có yểm bùa gì đấy.

Bá Nhỡ về lại ấp, nghĩ rằng nếu như lời cô Tơ nói, hễ ai cầm cây đàn của Chánh Thủ mà phải chết thì cũng liều thử một chuyến xem sao.

Cô Tơ sau đó nằm mơ thấy chồng về báo mộng cho biết sẽ có người đến lấy cây đàn ở bàn thờ để gảy và hắn sẽ chết để thế mạng cho ông được đầu thai lên trần thế làm người trở lại. Cô nghe vậy mà giật mình kinh sợ.

Khi thấy Bá Nhỡ lại đến, nhớ tới giấc mơ, cô lén vào trước bàn thờ khấn chồng để xin tha mạng cho Bá Nhỡ nhưng chồng cô không chấp thuận.

Khi Bá Nhỡ vào gian thờ ôm đàn ra thì cậu Lãnh Út cũng vừa tới để cầm chầu. Cô Tơ hát, Bá Nhỡ đàn nhưng rồi chàng đã gục ngã xuống và cây đàn cũng nổ tung và vỡ tan ra. Lãnh Út thì thiếp đi bên xác của Bá Nhỡ cho đến khi tỉnh giấc mới cho người khiêng xác của Bá về ấp Mê Thảo để chôn cất. Lãnh Út từ ấy thề bỏ rượu và đàn hát.

Một năm sau, Chùa đàn được dựng lên ở trong ấp. Cô Tơ giữ việc kinh kệ. Lãnh Út bán ấp, chỉ giữ lại hai mẫu cho chùa”.

-----------------------

Nhiều độc giả yêu thích văn chương Nguyễn Tuân đã đánh giá Chùa đàn là một tác phẩm có giá trị mà ai xem cũng phải thấy Lãnh Út, Bá Nhỡ hay cô Tơ, những nhân vật nghệ sĩ tài hoa ấy, có thể nói tất cả đều là Nguyễn Tuân, người rất sành về các ngón nghề của hát ả đào, của cây đàn đáy (2) và của chiếc trống chầu.

Chính vì những lẽ ấy mà chúng ta không lấy làm lạ khi thấy Nguyễn Tuân mê hát ả đào và coi ca trù là một nghệ thuật cổ nhạc vô cùng cao quý.

Hoàng Cầm, trong một số báo Văn nghệ xuất bản năm 1957 đã kể lại chuyện Nguyễn Tuân cầm chầu cho bà Phúc hát bài Tỳ bà hành.

Trong số các văn nghệ sĩ ngồi nghe có mấy nhà văn trẻ đã cười nói làm mất sự yên lặng. Nhà văn Nguyễn Tuân đã vút mạnh roi chầu vào mặt trống để cảnh cáo, rồi khi bà Phúc hát xong, ông đã tức giận đứng phắt dậy, bỏ ra về thẳng, không thèm nói với ai một lời.

Hôm sau, Hoàng Cầm lại nhà Nguyễn Tuân, chưa kịp hỏi lý do thì đã bị ông la ngay rằng:

- Từ rày mày có định tổ chức cái gì mà có hát ca trù thì đừng mời mấy “thằng nhóc” ấy nữa!

Qua câu chuyện ấy, chúng ta thấy nhà văn Nguyễn Tuân đã coi trọng ca trù như thế nào. Đấy là một thể nhạc thính phòng cao cấp, chỉ những người có trình độ văn hóa và có ham thích môn nghệ thuật ấy mới hiểu nổi.

Có điều đáng ngạc nhiên là Nguyễn Tuân chỉ viết văn, nổi tiếng là ở mấy tập tùy bút, bút ký chứ không thấy ông làm thơ. Đôi khi trong các bài viết của ông cũng thấy có xen vào một vài câu thơ như trong Những ngày Thanh Hóa:

Đến đây là đỉnh đèo Ba Dội,
Cạn chén đưa anh một chén đầy.
Trước mắt bây giờ là bỏ cả,
Chung quanh chỉ một con tàu say...

Nguyễn Tuân thường say như vậy nhưng có điều thật lạ là ông đã làm một bài hát ả đào (3) nói về cái say của mình - cả mưỡu và hát nói - vào năm 1931 mà ít người được biết:

SAY

Hạnh Hoa (4) thôn đã đây rồi,
Chơi đi cho thỏa một đời thông minh.
Nợ men gấp mấy nợ tình,
Cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng?

Đảo phá sầu thành thi thị tướng,
Trường truy cùng tặc tửu vi binh (6).
Rượu ngà say quên lẫn cả mình,
Khi túy lúy thoát hình ngoài cõi tục.
Mặc ai đàm tiếu, ai trong đục,
Tỉnh mà chi (7) cho nhọc chẳng khề khà.
Nợ nần gỡ mãi không ra.

Đọc bài hát ấy chúng ta thấy đúng là Nguyễn Tuân, con người mê ca trù đã dựng cả một Chùa đàn để thỏa cho cái thú của mình. Nhưng đó là chuyện Nguyễn Tuân trước Cách mạng Tháng Tám, còn sau đó, từ ngày đi kháng chiến, thì ông đúng là nhà văn - chiến sĩ đi chiến dịch với bộ đội, ở dưới mưa bom B52 mà viết Ký chiến tranh.

--------------------------------------------------------------------------------
(1) Chùa đàn đã được Nguyễn Tuân viết năm 1945. Sau đến năm 1946 ông đã viết thêm phần mở đầu gọi là Dựng và phần kết gọi là Mưỡu. Truyện Chùa đàn cũ được đổi tên thành Tâm sự của nước độc.

(2) Trong phim Mê Thảo - Thời vang bóng, chiếc đàn đáy đã bị thay thế bằng cây đàn nguyệt. Đây là một sự nhầm lẫn quá nặng vì ca trù phải gảy cây đàn đáy, còn hát chầu văn mới dùng cây đàn nguyệt.

(3) Bài hát ả đào này, theo Tô Kiều Ngân, đã được đăng trên mấy tờ báo ở nước ngoài và ông đã phổ biến lại trên mạng vào ngày 17/2/2005.

(4) Hạnh Hoa: Tên một thôn nổi tiếng về rượu ngon mà Đỗ Mục đã nói tới trong bài Thanh minh.

(5), (7) Hung trung đã bị chép sai thành “Hưng trung” và “Tỉnh mà chi” đã bị chép sai thành “Tỉnh mà cho”.

(6) Muốn phá thành sầu phải mượn thơ làm vị tướng, Muốn đuổi giặc cùng phải mượn rượu làm quân lính.

Nguyễn Quảng Tuân

--------------------------

Vài nét về tác giả Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân (10 tháng 7 năm 1910 – 28 tháng 7 năm 1987) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong 9 tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.

Nguyễn Tuân quê ở xã Nhân Mục (tên nôm là Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.

Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929). Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì "xê dịch" qua biên giới không có giấy phép[1]. Ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi... Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa vì gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam. Nguyễn tuân có phong cách tự do, ngông, phóng túng,ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân cái ngông đưng cao hơn hoàn cảnh, không khuất phục trước thời thế.

Các tác phẩm chính sau cách mạng của Nguyễn Tuân là tập tùy bút Sông Đà (1960)là kết quẢ chuyến đi thực tế vùng tây bắc, một số tập ký chống Mỹ (1965-1975) và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước.(chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông xê dịch suốt chiều dài đất nước để tìm dến với những điều mới mẻ,độc đáo)

Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987, để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và tài hoa. Năm 1996 ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

Nguyễn Tuân yêu Việt Nam với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng Việt, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà..., những nhạc điệu hoặc đài của các lối hát ca trù hoặc dân dã mà thiết tha, nh­ững nét đẹp rất riêng của Việt Nam.

Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Ông còn là một diễn viên kịch nói và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.

Nguyễn Tuân nổi tiếng là người sành ăn. Với ông, Ăn là một nghệ thuật, một giá trị thẩm mỹ, một sự khám phá cái ngon mà tạo hóa đã ban cho.

Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí "khổ hạnh" và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỷ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy.

Sự nghiệp văn chương

Quá trình sáng tác và các đề tài chính:

Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua...

Tác phẩm Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu xoay quanh ba đề tài: "chủ nghĩa xê dịch", vẻ đẹp "vang bóng một thời", và "đời sống truỵ lạc".

Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết "chủ nghiã xê dịch" này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về "chủ nghĩa xê dịch", Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa (Một chuyến đi).

Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống truỵ lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật "tôi" hoang mang bế tắc. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao (Chiếc lư đồng mắt cua).

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất.

Phong cách nghệ thuật

Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.

Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông". Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật.

Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội...

Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sỹ ở cả nhân dân đại chúng. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội.

Những tác phẩm nổi tiếng

Ngọn đèn dầu lạc (1939)
Vang bóng một thời (1940)
Chiếc lư đồng mắt cua (1941)
Tàn đèn dầu lạc (1941)
Một chuyến đi (1938)
Tùy bút (1941)
Thiếu quê hương (1940)
Tóc chị Hoài (1943)
Tùy bút II (1943)
Nguyễn (1945)
Chùa Đàn (1946)
Đường vui (1949)
Tình chiến dịch (1950)
Thắng càn (1953)
Chú Giao làng Seo (1953)
Đi thăm Trung Hoa (1955)
Tùy bút kháng chiến (1955)
Tùy bút kháng chiến và hòa bình (1956)
Truyện một cái thuyền đất (1958)
Tùy bút Sông Đà (1960)
Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972)
Ký (1976)
Tuyển tập Nguyễn Tuân (tập I: 1981)
Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988)
Tú Xương
Yêu ngôn (2000, sau khi mất)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét