Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015
Tạp chí Tao Đàn số đặc biệt về Tản Đà (xuất bản 1939)
(Vangbongmotthoi) - Tao đàn là tạp chí chuyên về thơ văn xuất bản trước năm 1945.
Dưới đây là ảnh bìa tạp chí Tao đàn số đặc biệt giới thiệu về nhà thơ Tàn Đà, xuất bản năm 1939.
So với các tờ báo hay tạp chí trước năm 1945 như Đông Dương tạp chí (1913-1917), Nam phong tạp chí (1917-1934), An Nam tạp chí (1926-1927, 1930-1933), Thanh Nghị (1941-1945), Tri Tân (1941-1945)... thì sự hiện diện của Tao Đàn, về mặt thời gian, là ngắn hơn. Nhưng Tao Đàn lại là tờ tạp chí văn học không những có vị trí đặc biệt mà còn có những đóng góp to lớn, quan trọng về tư tưởng lẫn học thuật.
Ông chủ nhà in, Nhà xuất bản Tân Dân Vũ Đình Long, theo nhà văn Ngọc Giao, là người điềm đạm, nhiều cơ mưu, giỏi cả Hán văn lẫn Pháp văn. Đặc biệt, trong giao dịch với nhà văn ông luôn luôn tỏ ra lịch sự, trọng hiền đãi sĩ. Nghe nói đến một văn gia nào có tài năng ông vội viết thư mời cộng tác. Đã thế, về nhuận bút "ông rất sòng phẳng, rất thủ tín". Tuy ông Long không phải là người hào phóng nhưng với cái cách biết người biết của, thấu hiểu công việc xuất bản, kinh doanh và nhất là đầu óc làm ăn lớn về ấn loát nên chính ông đã quy tập được nhiều cây bút cự phách khắp bắc - trung - nam "vui vẻ" viết bài cho ông. Đây chính là cơ sở để Tao Đàn không chỉ được "in cực đẹp" trên giấy tốt về mặt hình thức mà cả nội dung, thật sự là một tạp chí văn học chuyên sâu, bề thế, đa dạng, phong phú về bài vở và có vẻ "noi gương" theo một tạp chí văn học nổi danh của Pháp viết tắt là NRF (Nouvelle Revues Francaise) lúc bấy giờ khi nó đề cập những đề tài lớn của văn học cận hiện đại Âu - á về mặt lý luận, phê bình văn học, chọn lọc khắt khe về truyện ngắn, truyện dài và gần như chỉ kén những tên tuổi sáng giá ở hầu khắp các thể loại.
Trở lên, mới chỉ là một chút hồi ức của nhà văn Ngọc Giao về quãng thời gian cộng tác với ông chủ nhà in đồng thời là tác giả vở kịch Chén thuốc độc, trong đó, Tao Đàn được nhắc tới chưa đầy sáu dòng trang in. Tuy vậy, tờ tạp chí này cũng đã gợi những ấn tượng khó quên trong những ai có lòng mộ điệu.
Một ấn tượng đậm nét, đó là hai số đặc biệt về Tản Đà và Vũ Trọng Phụng. Hai tài danh đặc biệt này, xót xa thay, đều ra đi vào năm 1939. Nhưng bù lại, qua sự đánh giá công bằng và sâu sắc, qua thái độ cảm thông và ngưỡng mộ chân thành của các đồng nghiệp, chân dung của Vũ Trọng Phụng và Tản Đà đã hiện lên hết sức chân thực, đậm đà, hấp dẫn.
Tạp chí Tao Đàn không chỉ là nơi gặp gỡ của các trào lưu tư tưởng và các khuynh hướng nghệ thuật mà thật sự trở thành một diễn đàn mở rộng chấp nhận mọi chính kiến có thể khác nhau miễn là có chung lập trường giữ gìn và phát huy giá trị tinh thần đặc sắc của dân tộc.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét