Báo Tuổi Trẻ ngày 16-3-2015 đưa tin doanh nhân người Thụy Sĩ kiêm môi giới tranh Yves Bouvier vừa bị bắt tại Monaco với cáo buộc “thổi giá” bức tranh được ủy quyền môi giới để bỏ túi hơn 22 triệu USD.
Nhà môi giới Yves Bouvier được tại ngoại sau khi đóng thế chân 10 triệu euro - Ảnh: AFP
Lâu nay, các nhà sưu tập tranh thường ta thán việc phải mua những tác phẩm hội họa nổi tiếng với giá trên trời và bị thất thu khi chỉ bán được một phần trong bộ sưu tập với giá quá thấp.
Những bức xúc đó phần nào được giải tỏa sau phiên tòa xét xử chiêu trò gian lận của Yves Bouvier cuối tháng 2 vừa qua tại Monaco. Vụ việc được tạp chí Forbes bình luận “hứa hẹn trở thành xìcăngđan trong lĩnh vực nghệ thuật lớn nhất của năm 2015”.
Giới sưu tập không có cách nào biết được những tác phẩm hội họa được thật sự mua và bán với giá bao nhiêu. Có lẽ vụ việc này sẽ khai thông vấn đề đó - một Nhà sưu tập.
Có quyền “thổi giá”?
Hôm 12-3-2015, Tòa án tối cao Singapore đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Bouvier trên toàn cầu, nghiêm cấm ông này tẩu tán tổng tài sản trị giá khoảng 500 triệu USD ra khỏi Singapore, và không được phép phi tang tài sản nào dù đang ở trong hay ngoài lãnh thổ nước này.
Theo CNBC, vụ xét xử Bouvier liên quan tới những bức tranh do tỉ phú người Nga Dmitry Rybolovlev mua thông qua môi giới của Bouvier. Ông Rybolovlev hiện là một trong 14 tỉ phú giàu nhất nước Nga, là chủ câu lạc bộ bóng đá AS Monaco (Pháp).
Theo tạp chí Forbes, Yves Bouvier đã môi giới cho tỉ phú Nga mua tác phẩm Nude (Khỏa thân) của danh họa kiêm điêu khắc gia Ý Amadeo Modigliani thuộc sở hữu của tỉ phú Steve Cohen. Thông qua Bouvier, ông Rybolovlev đã mua với giá 118 triệu USD.
Tuy nhiên sau đó, khi có dịp trò chuyện với cố vấn nghệ thuật của tỉ phú Cohen là Sandy Heller, ông Rybolovlev ngã ngửa biết rằng chủ nhân của bức tranh đó chỉ thu về số tiền 93,5 triệu USD. Như vậy Bouvier đã bỏ túi hơn 22 triệu USD, bao gồm cả chi phí môi giới.
Tòa án tối cao Singapore còn yêu cầu ông Bouvier phải công khai bản sao của tất cả các danh mục hàng gửi (gồm tên mặt hàng và giá tiền), các hợp đồng mua bán với những bên bán thứ ba (thông qua môi giới của Bouvier) liên quan tới 37 bức tranh khác của các danh họa lớn.
Tuy nhiên theo tạp chí Forbes, ông Bouvier phủ nhận tất cả cáo buộc. Một người trong giới buôn tranh cho rằng chuyện người môi giới ăn chặn trực tiếp trong giá bán tranh khi chào mời bên mua thường là không phạm pháp, trừ khi vi phạm những điều kiện cụ thể đã ký kết.
Tỉ phú người Nga Dmitri Rybolovlev - Ảnh: AFP
Mới chỉ bắt đầu
Từ lâu, Bouvier đã nắm giữ vai trò trung tâm trong thị trường buôn bán tranh cao cấp toàn cầu với việc sở hữu Natural le Coultre - một trong những doanh nghiệp quốc tế lớn nhất chuyên lưu trữ, đóng kiện và vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời nắm giữ cổ phần tại các freeport (khu chứa hàng hóa miễn thuế đặt gần một khu cảng hay sân bay) đình đám.
Yves Bouvier còn có biệt danh là “vua freeport”. Nhiều năm trở lại đây, giới hữu trách đang điều tra hoạt động của các freeport thuộc sở hữu của Bouvier do tính chất bí mật và các lợi ích đặc biệt về thuế của nó.
Dù vậy đại gia người Thụy Sĩ luôn một mực phủ nhận sự dính líu của các freeport với nạn rửa tiền hay trốn thuế. Trong một bài phỏng vấn cách đây vài năm trên tạp chí Spears, Bouvier nói việc ra đời các freeport nhằm giải quyết vấn đề nhiều nhà sưu tập nghệ thuật lớn trên thế giới đang gặp phải: “Họ chỉ đủ chỗ chứa 1 mà mua về tới 10 bức tranh!”.
Ông Bouvier là khách hàng lớn nhất của một freeport ở Thụy Sĩ, đồng thời sở hữu luôn hai khu freeport tại Singapore và Luxembourg. Thậm chí ông này cũng đã làm việc với chính quyền Trung Quốc để chuẩn bị mở một freeport ở Bắc Kinh.
Với sự am tường về dòng tài sản tranh quý phong phú của các nhà sưu tập lớn nhất thế giới, Bouvier đã đảm nhiệm luôn vai trò môi giới, giúp các chủ sưu tập giới thiệu và bắt mối mua - bán tranh cho họ.
Tỉ phú người Nga Rybolovlev là một trong những khách hàng trung thành suốt 10 năm nay của Bouvier. Và theo luật sư đại diện cho gia đình, Bouvier đã là người môi giới cho rất nhiều bức tranh trong bộ sưu tập của ông Rybolovlev.
Không chỉ Rybolovlev, còn rất nhiều nhà môi giới và các gallery khác ở New York cũng thường xuyên làm ăn với Bouvier. Do đó, theo các luật sư và nhiều nhà môi giới nghệ thuật, vụ bê bối gian lận của Bouvier không chỉ khui ra những khoản chênh lệch giá bị thổi lên, mà còn có thể liên đới tới các vấn đề khác như gian lận thuế, nạn rửa tiền toàn cầu và tham nhũng.
Một luật sư (giấu tên) chuyên về nghệ thuật có tiếng tại New York khẳng định: “Đây mới chỉ là bắt đầu. Sẽ còn nhiều nhà môi giới và sưu tập tranh lớn khác có liên quan”.
Trong thế giới mông lung của nghệ thuật, các giao dịch mua bán tranh giữa những cá nhân được xem là phần “tối tăm” nhất. Giới sưu tập tranh nhìn nhận vụ việc rất tích cực. Theo họ, đây sẽ là cơ hội tốt để xới lên nhu cầu về tính minh bạch trong một thị trường trị giá nhiều tỉ đôla vốn lâu nay không được kiểm soát rộng rãi và rất ít thông tin được công bố.
-------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét