Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu, xuất bản 1970)



(Vangbongmotthoi) - Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ rất nổi tiếng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, viết vào khoảng thời gian những năm 1860, đến nay khoảng 150 năm.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của Việt Nam cuối thời kỳ phong kiến thuộc pháp thế kỷ 19. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến là truyện thơ Lục Vân Tiên và bài Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc - khóc những người chí sỹ yêu nước chống thực dân Pháp.

Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ lục bát chữ Nôm viết về cuộc đời và tình duyên giữa chàng trai Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Đây là tác phẩm rất nổi tiếng và phổ biến, đặc biệt ở miền Nam. Rất nhiều người lớn tuổi từng ngâm nga và thuộc lòng truyện Lục Vân Tiên (giống như truyện Kiều ở miền Bắc). Tác phẩm này cũng được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông và tái bản rất nhiều lần.

Nguyễn Đình Chiểu qua đời năm 1888, cho nên chúng tôi dự đoán cuốn sách này viết vào khoảng năm 1860, tới nay có thể xem là sách cổ, trên 150 năm.

Dưới đây là bìa cuốn Lục Vân Tiên xuất bản ở miền Nam năm 1970. Chúng tôi xếp vào mục Sách cổ (tính theo thời gian viết)

Tình trạng sách: hiếm

Xem thêm về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cuối bài viết này.

Hoa Văn

-------------------------------



------------------------------

Vài nét về nhà nhơ Nguyễn Đình Chiểu

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, hiệu Mạch Trạch, Trọng Phủ và Hối Trai. 

Ông sinh ngày 01-07-1822, tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) và thân mẫu là Trương Thị Thiệt, người Gia Định (nay là thành phố Hồ Chí Minh).

Năm Quý Mão (1843), ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 1847, ông ra Huế học và chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Nhưng ông chưa kịp thi thì nghe tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang, vì quá đau buồn, khóc thương mẹ, ông lâm bệnh và bị mù cả hai mắt. Ông ở lại Quảng Nam một thời gian để chữa bệnh, nhưng bệnh không hết, ông được vị danh y truyền dạy nghề làm thuốc. Sau khi mãn tang mẹ, ông mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn.

“Lỡ bề báo hiếu, lỡ bề lập thân”, từ đó ông an phận ở Gia Định, ngồi dạy học, nhân dân xưng tụng ông là Đồ Chiểu hay Tú Chiểu.

Năm 1854, một người học trò của ông tên là Lê Tăng Quýnh, vì cảm phục và mến thương ông, nên đã xin gia đình gả cô em gái thứ năm của mình tên là Lê Thị Điền (1835-1886), người Cần Giuộc, tỉnh Long An cho ông.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình lánh về quê vợ. Ở đây, ông đã sáng tác bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ca ngợi những người nông dân chân đất, những anh hùng xả thân vì sự nghiệp đất nước.

Năm 1861, quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông (Cần Giuộc, Gò Công, Định Tường), ông phải lui về Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và sáng tác thơ văn cho đến cuối đời.

Nguyễn Đình Chiểu nhiệt tình yêu nước, ông liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Đốc binh Nguyễn Văn Là, lãnh binh Trương Định. Trong cơn quốc biến, ông bày tỏ lòng căm hờn bọn cướp nước trong bài Chạy giặc, còn có tên là Chạy Tây:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay!
Bỏ nhà lũ trẻ lăng xăng chạy,
Vỡ tổ bầy chim dáo dác bay.
Bến Nghé của tiền tan bọt nước,
Đông Nai tranh ngói nhuốm màu mây.
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,
Nỡ để dân đen mắc nạn này!

Ông tích cực dùng văn chương khơi gợi lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân. Ông làm bài văn tế Vong hồn mộ nghĩa, thơ văn thể hiện sự thương xót Trương Định, Phan Tòng và xót xa cả về cái chết của Phan Thanh Giản.

Đại diện thực dân Pháp là viên Tham biện tỉnh Bến Tre, Michel Ponchon đã cùng thông dịch viên là Lê Quang Hiền đến thăm Nguyễn Đình Chiểu, tỏ ý ưu ái muốn trả lại ruộng đất cho ông với sụ ưu đãi. Ông từ chối dứt khoát để bày tỏ thái độ của mình. “Đất chung còn bị mất, đất riêng còn có được sao?”

Ngày 24-5-1888 (Âm lịch) ông mất, hưởng thọ 66 tuổi. Nhân dân cả nước đều thương tiếc ông.

Hiện nay, toàn thể khu đền mộ của Nguyễn Đình Chiểu ở tỉnh Bến Tre đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia.

Tác phẩm:

Lục Vân Tiên.
Chạy Tây.
Điếu Phan Thanh Giản.
Dương Từ Hà Mậu.
Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861).
Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864).
Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868).
Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874).
Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây (chưa xác định thời điểm sáng tác).
Hịch đánh chuột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét