Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Xứ trầm hương (Quách Tấn, xuất bản 1970)


(Vangbongmotthoi) - Xứ trầm hương là một tác phẩm nổi tiếng của Quách Tấn, xuất bản năm 1941. 


Quách Tấn là một nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng ở Miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh miền Trung.

Quách Tấn có nhiều tác phẩm nghiên cứu sâu sắc về địa lý, văn hóa... khu vực miền Trung. Như cuốn: Nước Non Bình Định, Xứ trầm hương  - rất nổi tiếng. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Xứ trầm hương đã được Nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa tái bản năm 2002.

Dưới đây là ảnh bìa cuốn Xứ trầm hương của Quách Tấn, do Lá Bối xuất bản năm 1970.

Tình trạng: hiếm

Xem thêm về tác giả Quách Tấn và cuốn Xứ trầm hương bên dưới bài viết này.

Hoa Văn
------------------------





--------------------------

Đọc lại Xứ trầm hương của Quách Tấn

Nguyễn Man Nhiên


Sinh ra và lớn lên ở Bình Định, nhưng người thi sĩ của MỘT TẤM LÒNG, của MÙA CỔ ĐIỂN lại có hơn nửa đời người gắn bó với Nha Trang – Khánh Hòa, vùng đất mà ông “kính yêu như bà Nghĩa mẫu”(2), vùng đất mà ông đã trải tấm tình “thiết tha, thành thực”(3) trong rất nhiều sáng tác của mình. Và không chỉ trong thơ. Cái tên XỨ TRẦM HƯƠNG thi vị hóa từ nguồn lợi lâm sản nổi tiếng bao đời nay của Khánh Hòa còn là nhan đề một tập văn xuôi đặc sắc của ông, xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn năm 1969, đến nay đã hơn 40 năm vẫn được đông đảo bạn đọc xa gần mến mộ.

Tuy nơi LỜI THƯA đầu sách, tác giả đã dè dặt minh xác rằng mình không có tham vọng viết một quyển địa phương chí, mà chỉ làm công việc “ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa”(4), nhưng suốt cả gần 500 trang giấy, ngòi bút tài hoa, lịch lãm của ông đã đóng trọn vai người hướng đạo nhiệt thành đưa ta đi thăm thú, tìm hiểu hầu khắp mọi mặt của địa phương, từ địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa đến phong tục, vật sản, các thắng cảnh cổ tích, các nhân vật hữu danh v.v… Như vậy, theo cách hiểu thông thường, vẫn có thể coi XỨ TRẦM HƯƠNG là một quyển địa phương chí về đất nước, con người Khánh Hòa, nhưng ở đây còn với cái nhìn và bút pháp thể hiện của một nhà thơ giàu xúc cảm và tâm huyết.

Giá trị của XỨ TRẦM HƯƠNG có lẽ không phải ở những tài liệu về dân số, về độ cao của núi non, chiều dài của sông suối, sản lượng khai thác các nguồn lợi kinh tế trong tỉnh… mặc dù tất cả những điều này đều được tác giả ghi chép công phu, cặn kẽ. Với ý đồ giữ gìn tư liệu truyền thống, ghi chép sự tích cha ông, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của quê hương, con người nghiên cứu của Quách Tấn dường như đã chọn cho mình một cách tiếp cận từ giác độ văn hóa dân gian. Ông tìm về những gì có thể chúng ta đã lãng quên, mất mát, những dấu tích, những vang bóng một thời. Mỗi trang sách như mở ra một đoạn đường, một mảnh đất, một khoảng trời quê hương tươi đẹp, nơi hiện thực và huyền thoại đan dệt vào nhau, tưởng chừng, nói như một nhà văn, “chỗ nào ta cũng thấy phảng phất hình ảnh của người xưa, văng vẳng tiếng nói của người xưa”.

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ lên tận thượng nguồn nghiêng mình trước vẻ đẹp trầm hùng, dữ dội của những thác Hòm, thác Võng, thác Dằng Xay, thác Nhét… rồi trở về xuôi theo dòng sông Nha Trang chảy thanh thản giữa đồng bằng xanh mát mà cái tên sông nhắc nhớ ta “xưa kia hai bên bờ ngút ngàn lau lách mọc đầy”(5).

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ dạo khắp dãy quần sơn hiểm trở của Khánh Hòa, từ trên chon von đỉnh đèo Đại Lãnh nghe câu hát của khách đa tình buổi trước: “Bước chân lên đèo Cả/Trông sang Vạn Giã/Ngó lại Tu Bông…”(6) đến vẻ thâm nghiêm, huyền bí của dãy Hòn Bà (tương truyền là nơi Hành cung của nữ thần Thiên Y A Na) quanh năm chìm ngập trong biển mây trắng xóa (7).

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để được cùng thi sĩ “đến Trường Bơi ăn cá, lên rượng mà ca rình xem voi, xuống hồ Đá Xẻ thưởng thức chà khé” (8), để được tận hưởng cái thú uống nước dừa mà theo tác giả “cũng giống như uống trà uống rượu, phải biết cách uống mới thưởng thức trọn vẹn chân vị chân hương” (9), để biết mở lòng ra đón cái “gió Khánh Hòa mùa nào cũng có hương trầm ẩn hiện. Người thức khuya thường hay bắt gặp lúc trời trong” (10), và cũng để đừng trở thành kẻ bàng quang, bất kính trước những đình đền am miếu, những cổ tự danh lam, với thời gian đang ngày càng thâm u, hoang phế!

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để biết rằng ngay giữa lòng thành phố Nha Trang tòa ngang dãy dọc hiện giờ, xưa kia đã từng có một rừng mai Phước Hải, “mùa xuân hoa nở ánh cả vùng” (11), và bên cạnh rừng mai, còn có rừng dương liễu mơ màng buông lục để từ đấy Nha Trang còn nổi danh là một miền “thùy dương cát trắng” (12).

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để hiểu thêm về cuộc đất đại địa của Nha Trang, nơi sông biển bốn bề bao bọc, và đây đó “bốn hòn núi tượng hình bốn con thú tự họp lại để giữ gìn anh khí” (13) cho cuộc sống con người.

Hãy đọc XỨ TRẦM HƯƠNG để giữ mãi trong tâm tưởng một đêm giao thừa ở Tháp Bà, vào cái thời khắc đất trời giao cảm ấy “núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, đầy đặc cả đom đóm”, tựa hồ “bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống đọng nơi cây cối” (14).

Giữa bao nhiêu biến thiên, thay đổi của cuộc đời, Quách Tấn giữ lại cho ta hình ảnh một Nha Trang “đồng hóa cùng lá cây và dính liền với làng quê đồng ruộng, những cao ốc biệt thự phố xá chỉ còn là những vết trắng, vệt xám, vệt đỏ thấp thoáng trong sắc xanh của cây của núi của trời” (15), một Nha Trang của “lá me, lá chành ruột lác đác bay. Chiều chiều chim én lượn từng bầy đớp chuồn chuồn trong sương mỏng” (16), Nha Trang của “những áo xiêm… lần lượt biến thành năm sắc mây bay chờn vờn trên ngàn cây cổ thụ” (17), Nha Trang của “mùi hương rừng bay theo gió, có đó rồi không” (18).
Một dải non sông gấm vóc từ đèo Cả đến Cam Ranh, tưởng chừng nơi đâu cũng gặp những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những di tích lịch sử, những dấu vết của một nền văn hóa xa xăm, những câu ca, điệu hò, chuyện kể dân gian đượm màu huyền hoặc, những ngóc ngách của con người, làng xóm, tập tục, sinh hoạt… tất cả, dưới ngòi bút tinh tế và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ đều hiện lên sinh động, tươi rói như một bức tranh khảm nhiều màu sắc.

Cổ nhân từng phân biệt hai hình thức văn chương: văn chương trước thuật và văn chương cảm hứng. Văn chương trước thuật vốn là sở trường của nhà học giả, còn văn chương cảm hứng là của văn gia, thi sĩ. Lại thấy người ta thường nói, hễ làm thơ hay thì viết văn không hay. Điều này chắc là không đúng, lại càng không đúng với trường hợp Quách Tấn. Từ NƯỚC NON BÌNH ĐỊNH đến XỨ TRẦM HƯƠNG, hai tác phẩm có tính chất biên khảo này của một người lúc sinh thời từng được coi là “cây cổ thụ hiếm hoi còn lại trong cánh rừng đại ngàn thơ Việt” (19) đã chứng tỏ ông chẳng những có tài về thơ mà còn có tài về văn nữa.

CHÚ THÍCH:

(1) Quách Tấn, Xứ Trầm Hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa tái bản lần thứ hai, 2002.
(2) Từ mục (2) đến mục (18) đều trích dẫn ở Xứ Trầm Hương, sách đã dẫn ở chú thích (1).
(19) Thế Vũ, Con rùa vàng của thơ Việt hiện đại, tạp chí Văn hóa & Đời sống, tháng 9/1992, trang 58.

--------------------------

Vài nét về tác giả Quách Tấn

Quách Tấn (1910-1992), tự là Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, các tiểu hiệu là Định Phong, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn; là một nhà thơ Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Ông sinh ngày 23 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức ngày 4 tháng 1 năm 1910, nhưng giấy khai sinh thì ghi là ngày 1 tháng 1 năm 1910) tại thôn Truờng Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định.

Tổ tiên ông vốn là người Trung Quốc sang Việt Nam. Cha ông là Quách Phương Xuân, thông chữ Pháp; mẹ là Trần Thị Hào, giỏi chữ Hán. Anh em ông gồm 10 người nhưng chỉ còn lại ba là ông, Quách Tạo và Quách Thị Mộng Lan.

Lúc nhỏ Quách Tấn học chữ Hán. Đến 12 tuổi, ông mới bắt đầu học Quốc ngữ và Pháp ngữ tại trường Pháp Việt Quy Nhơn (nay là Quốc học Quy Nhơn), rồi đậu cao đẳng tiểu học (primaire Supérieur) năm 1929.

Sau đây là quá trình hoạt động của ông:

- 1930, làm phán sự Tòa sứ tại Tòa khâm sứ Huế, rồi đổi lên Tòa sứ Đồng Nai Thượng ở Đà Lạt.

- 1935, về làm việc tại Tòa sứ Nha Trang.

-1939, xuất bản tập thơ đầu tay: Một tấm lòng (Tản Đà đề tựa, Hàn Mặc Tử đề bạt).

- 1945, tản cư về Bình Định tham gia chống Pháp, làm thủ quỹ cho Ủy ban ủng hộ kháng chiến và Mặt trận liên hiệp quốc dân huyện Bình Khê.

- 1949, mở Trường trung học tư thục Mai Xuân Thưởng tại thôn An Chánh huyện Bình Khê.

- 1951, được trưng dụng dạy Trường trung học An Nhơn rồi Trường trung học Bình Khê.

- 1954, hồi cư về Nha Trang được tái bổ vào ngạch thư ký hành chánh.

- 1955, làm tại tòa hành chánh Quy Nhơn cho đến 1957. Tiếp theo, ông giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Định. Nhờ cương vị này, Quách Tấn đã can thiệp với chính quyền địa phương, chọn được một vùng đất địa thế đẹp tại Ghềnh Ráng (Quy Nhơn), rồi chuyển hài cốt người bạn tri âm là thi sĩ Hàn Mặc Tử từ nghĩa trang nhà thương phung Quy Hòa về an táng tại đây. Ít lâu sau, Quách Tấn đổi về Sở Du lịch Huế (1957-1958), Ty Kiến thiết Nha Trang (1958-1963), rồi giữ chức Phó tỉnh trưởng tỉnh Khánh Hòa (1963-1965)

- 1965, nghỉ hưu tại nhà số 12 đường Bến Chợ Nha Trang (gần chợ Đầm), tiếp tục viết văn làm thơ.

- 1987, ông lâm cảnh mù lòa rồi mất ngày 21 tháng 12 năm 1992 tại Nha Trang, hưởng thọ 82 tuổi.

Quách Tấn lập gia đình năm 1929. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu Thanh Tâm, sinh trưởng tại Phú Phong, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định.

Tác phẩm

Quách Tấn Tấn tập làm thơ từ lúc học lớp đệ nhất niên trường Quy Nhơn. Lúc ra trường ông đã thông thạo các thể thơ, nhưng chính thức bước vào làng văn thơ từ năm 1932.

Năm 1933, ông đã có thơ đăng trên An Nam tạp chí, Phụ nữ tân văn, Tiếng dân và Tiểu thuyết thứ bảy… Ông từng được thi sĩ Tản Đà khen khi bình bài Đến thăm vườn cũ cảm tác của ông. Tản Đà viết: Nói về bên tình thì rất lâm ly mà nói về bên tài cũng đến thế là hay. Sau đây là một số tác phẩm chính của ông:

Thơ

Một tấm lòng: tập thơ, 1939, gồm hai phần chính và một phần phụ lục, có lời “Tựa” của Tản Đà, lời “Bạt” của Hàn Mặc Tử.
Mùa cổ điển: tập thơ, 1941.
Ðọng bóng chiều: tập thơ, gồm 108 bài thất ngôn tứ tuyệt, Kim Lai ấn quán in năm 1965.
Mộng Ngân sơn: tập thơ, gồm 135 bài ngũ ngôn tứ tuyệt, Nxb Hoa Nắng (Paris) ấn hành năm 1966.
Giọt trăng: tập thơ, gồm 60 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, Nxb Rừng Trúc (Paris) ấn hành năm 1973.
Trăng hoàng hôn: tập thơ, gồm 60 bài thơ lục bát tứ tuyệt, Nxb Trẻ ấn hành năm 1999.
Tuyển tập thơ Quách Tấn: do Quách Giao (con trai ông) tuyển chọn, Nxb Hội Nhà Văn ấn hành năm 2006.
Ngoài ra ông còn 13 tập thơ chưa xuất bản.

Văn

Trăng ma lầu Việt: gồm 2 tập, viết phỏng theo Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đời Hậu Lê. Tập 1 xuất bản năm 1943. Năm 1947, viết thêm tập 2. Năm 2003, Nxb Thanh Niên in chung thành một quyển.
Non nước Bình Định: tập địa phương chí Bình Định, Nam Cường xuất bản năm 1968. Nxb Thanh Niên tái bản năm 1999.
Xứ Trầm hương: tập địa phương chí Khánh Hòa, Nxb Lá Bối ấn hành năm 1970.
Đời Bích Khê: tập hồi ký của Quách Tấn viết về cuộc đời và thơ của thi sĩ Bích Khê. Nxb Lửa Thiêng ấn hành năm 1971.
Đôi nét về Hàn Mặc Tử: in trong Bán nguyệt san Văn số 7, Sài Gòn, 1967; in lại trong Hàn Mặc Tử - hôm qua & hôm nay, Nxb Hội Nhà Văn, 1996.
Họ Nguyễn thôn Vân Sơn (1988)
Nét bút giai nhân (1988)
Bước lãng du: giới thiệu danh lam, thắng tích từ Huế đến Ninh Thuận, Nxb Trẻ ấn hành năm 1996.
Thi pháp thơ Đường: gồm 26 bức thư và một bài tựa "Chút lòng" gởi cho các bạn trẻ yêu thích thơ Đường, Nxb Trẻ ấn hành năm 1998.
Bóng ngày qua: hồi ký của Quách Tấn dày trên 2.000 trang đánh máy, xếp thành 10 tập. Đã xuất bản được các tập: Đời văn chương (1998), Bàn thành tứ hữu (2001), Tình thầy bạn (2003), Trường Xuyên thi thoại (2000), Những mảnh gương xưa (2001), Hương vườn cũ (2007), Nguồn đạo trong thơ văn (2007),...
Ngoài ra ông còn 20 tập văn chưa xuất bản.

Thơ văn dịch

Lữ Đường Thi tuyển dịch: tuyển dịch 56 bài thơ chữ Hán của Thái Thuận, một danh sĩ triều Hậu Lê. Trong tập còn có bài tổng luận về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của vị thi sĩ này. Nxb Văn Học ấn hành năm 2002.
Tố Như thi: tuyển dịch 72 bài thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du. Nxb An Tiêm ấn hành năm 1973. Năm 1995, Nxb này tái bản tại Paris.

(Theo từ điển mở Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét