Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Hai sắc hoa tigon (T. T. Kh., in lần đầu năm 1937)


(Vangbongmotthoi) - Hai sắc hoa tigon là một bài thơ vô cùng nổi tiếng của tác giả T. T. Kh được in lần đầu trên nguyệt san Tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1937.

Như vậy, nói tóm gọn Hai sắc hoa tigon không phải là một quyển sách, mà chính là cuốn Tiểu thuyết Thứ Bảy in bài thơ này đã vô hình chung trở thành một cuốn sách quý. (Bản thân các cuốn Tiểu thuyết Thứ Bảy nay cũng đều là sách quý luôn!).

Suốt gần 80 năm qua, bài thơ Hai sắc hoa tigon vẫn luôn đứng đầu là một trong những bài thơ tình hay nhất, nổi tiếng nhất của Việt Nam, viết về tâm trạng cô đơn, khắc khoải và đượm buồn trong tình yêu của một người con gái.

Tác giả bài thơ, T. T. Kh là một nhà thơ vô cùng bí ẩn trong văn học sử Việt Nam, đơn giản vì đó là một bút danh theo kiểu bí danh, viết tắt và tới nay dù đã gần 80 năm trôi qua, người ta vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được tác giả này là ai, nam hay nữ. Và có lẽ đây sẽ là một bí ẩn không bao giờ có thể giải đáp.

Dưới đây là ảnh chụp cuốn tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy, số 179 ra ngày 30/10/1937 đăng bài Hai sắc hoa ti gôn của T.T.KH. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của bài thơ nổi tiếng này.

Tình trạng sách: rất hiếm.

Xem thêm về tác giả T. T. Kh ở phần dưới.

-------------------------------------




Sau khi nhận được bài thơ gửi tới, tòa soạn đã đăng lời nhắn tới T.T.KH trong Tiểu thuyết thứ bảy số 178 như bên dưới: "Xin cho biết gửi về đâu?" - vì không biết địa chỉ của nhà thơ.




------------------------------

T. T. Kh là ai?

T.T.Kh là bút danh của một nhà thơ ẩn danh trong phong trào Thơ mới (1930–1945), tác giả bài Hai sắc hoa Ti-gôn nổi tiếng. Nhiều người đã suy đoán lai lịch thật của T.T.Kh nhưng chưa có giả thuyết nào thuyết phục được công chúng

Câu chuyện T.T.Kh bắt đầu vào tháng 9/1937, khi tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy đăng một truyện ngắn mang tên Hoa ti gôn của nhà văn Thanh Châu . Hơn một tháng sau ngày Thanh Châu đăng truyện ngắn nói trên, một sự kiện đặc biệt xảy ra. Vào tháng 10/1937, tòa soạn tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy nhận được một bài thơ của một tác giả ký tên là T.T.Kh. Đó là bài Hai sắc hoa ti gôn , được đăng vào ngày 30/10/1937.

Bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đã gây nên xúc động lớn trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết. Giới văn nghệ xôn xao. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa. Bài thơ này có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gửi đến. Bài này được đăng trên số báo ngày 20/11/1937. Và một năm sau nữa, tòa soạn nhận thêm bài Bài thơ cuối cùng . Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30/10/1938.

Từ đó, tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại, có một bài thơ cũng ký tên T.T.Kh gửi đến một tờ báo khác. Đó là Bài thơ đan áo .

Những bài thơ mang tên T.T.Kh đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa. Không ai biết một chút gì về con người bí ẩn này. Nghi án văn học T.T.Kh từ đó bắt đầu...Năm 1942, Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam lần đầu tiên, T.T.Kh đã được đưa vào tập sách quan trọng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét